Lượt xem: 1505

Phát triển mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp theo chuỗi giá trị

Từ mô hình thí điểm được triển khai vào năm 2022, đến nay, mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp đang dần phát triển mạnh tại tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh các hộ nuôi nhỏ lẻ, nhiều cơ sở còn có sự đầu tư mang tính quy mô hơn theo hướng áp dụng công nghệ cao, như trang trại ST Crab Farm ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu. Với hiệu quả mang lại từ quy trình nuôi mà trang trại đang áp dụng, hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang định hướng kết nối giữa trang trại với các hộ nuôi có nhu cầu nhằm từng bước hình thành thương hiệu “Cua Sóc Trăng”.

 


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp của Trang trại ST Crab Farm.

 

    Không chỉ mạnh dạn đầu tư 10.000 hộp nhựa để chuyển đổi quy trình nuôi, để đảm bảo mô hình đạt được hiệu quả tối ưu, anh Tạ Hữu Ngãi - Chủ trang trại ST Crab Farm còn thực hiện nuôi cua theo hình thức bán tuần hoàn. Với hình thức này, nguồn nước ngoài tự nhiên sẽ được cấp vào ao chứa. Sau khi được lắng lọc trong thời gian nhất định, nguồn nước này tiếp tục được cấp sang ao xử lý và đưa vào ao tuần hoàn. Từ đây, nguồn nước sẽ được cung cấp trực tiếp vào các hộp được dùng để nuôi cua. Ưu điểm của hình thức này là tận dụng được lợi thế từ nguồn nước có độ mặn cao ngoài tự nhiên. Nhờ đảm bảo được nguồn nước phù hợp với đặc tính thích nghi nên cua sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Ngãi cho biết: “Ở từng chiếc hộp như vậy sẽ có những cái lỗ để thoát nước, thông qua máng lọc, nguồn nước này sẽ được cấp trở lại cho ao tuần hoàn. Cứ xoay vòng như thế trong một thời gian nhất định, đến khi nào mình kiểm tra nước trong ao tuần hoàn thấy không còn đảm bảo chất lượng thì sẽ thay ra và bơm nguồn nước mới vào. Khi chúng ta nuôi cua trong hộp kết hợp áp dụng quy trình bán tuần hoàn như thế này, sẽ giúp nâng cao tỷ lệ sống của cua, kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó mà sản lượng và chất lượng thịt cũng đạt hơn so với khi nuôi trong ao như truyền thống”.

    Theo anh Ngãi chia sẻ, khi cua đạt trọng lượng từ 100gr/con là có thể đưa lên hộp. Nhờ nguồn nước cấp đảm bảo, các hộp chứa cua được đặt trực tiếp trên bờ nên việc chăm sóc, cho ăn cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với khi nuôi trong ao đất. Hiện nay, anh Ngãi đang đầu tư vào 2 loại có giá trị kinh tế cao là cua 2 da và cua gạch. Từ 10-25 ngày, cua đạt chất lượng sẽ xuất bán với lợi nhuận khá cao, đạt khoảng 40-50%. Bên cạnh thị trường tiêu thụ nội địa, với mong muốn “thâm nhập” vào thị trường xuất khẩu, trang trại tập trung nuôi cua theo hướng sạch, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi nhằm tạo tính bền vững và tăng khả năng cạnh tranh từ các sản phẩm giá trị gia tăng. Anh Ngãi cho biết thêm: “Nếu như mình mua nguồn cua đầu vào từ người dân thì lợi nhuận đạt khoảng 50%, còn nếu mình sử dụng lượng cua mà trại tự ương thì lợi nhuận từ 80 đến 90%. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tập trung đầu tư quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà các khách hàng nước ngoài yêu cầu. Hiện tại có một số đơn vị nước ngoài cũng đã liên hệ, hướng tới có thể sẽ tiến đến hợp tác với một số thị trường chủ đạo như Trung Quốc, Đài Loan và có thể sang Đông Âu...”.

    Theo cơ quan chuyên môn, thêm một ưu điểm vượt trội mà mô hình nuôi cua trong hộp mang lại là giúp hộ nuôi có thể quan sát, xác định được độ chắc thịt của cua nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng và giá bán tốt hơn khi cung ứng ra thị trường. Với dư địa rất lớn trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm cua sạch. Ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình nuôi cua hộp theo hướng sạch, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang xây dựng Chương trình liên kết tiêu thụ cua giữa các hộ nuôi nhỏ lẻ với trang trại, để vừa đảm bảo đầu ra cho hộ nuôi, vừa cung cấp cho trang trại sản lượng cua có kích cỡ phù hợp để đưa lên hộp. Theo đó, cua nuôi đạt trọng lượng từ 200gr/con sẽ được liên kết tiêu thụ với mức giá 150.000 đồng/kg. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tham mưu phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của từng địa phương. Đặc biệt, tập trung cho việc liên kết phát triển các nhóm ngành hàng, để hình thành một chuỗi liên kết bền vững từ đầu vào cho đến đầu ra. Cùng với đó là định hướng phát triển theo hướng sạch, hướng an toàn, làm sao để đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn tiêu thụ cả ở thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy trước mắt, ngành sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi cua có nhu cầu chuyển đổi mô hình. Mặt khác sẽ là cầu nối để liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ với những cơ sở, trang trại quy mô. Cùng nhau thành lập nhóm để vừa chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cua trong hộp; vừa thông tin một cách chính xác nhu cầu nguồn cua đầu vào mà doanh nghiệp cần cũng như khả năng cung ứng của hộ”.

    Ngoài con tôm nước lợ, cua biển là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Sóc Trăng với diện tích thả nuôi hiện đạt trên 140 ha. Phần lớn diện tích chủ yếu được bà con nuôi theo hình thức quảng canh, hay nuôi công nghiệp trong ao lót bạt. Mặc dù không phải là địa phương đầu tiên trong khu vực áp dụng mô hình nuôi cua thương phẩm trong hộp nhựa, nhưng với những định hướng cụ thể của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc tăng cường kết nối giữa hộ nuôi và doanh nghiệp để phát triển mô hình theo chuỗi giá trị, tin chắc, nghề nuôi cua biển của tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển theo hướng bền vững và mang đến hiệu quả kinh tế ổn định hơn cho người nuôi.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8339
  • Trong tuần: 79,046
  • Tất cả: 11,802,366